Mộng du thường xảy ra ở trẻ em và một số ít người trưởng thành. Tìm hiểu mộng du khi ngủ là gì và có nguy hiểm cho sức khỏe hay không?
Bạn thường ngồi dậy hoặc đi lại trong vô thức khi đang ngủ? Bạn thường nói những điều vô nghĩa và không thể kiểm soát? Những biểu hiện này rất có thể bạn đang mắc bệnh mộng du. Tham khảo ngay bài viết dưới đây của Organix.vn để biết mộng du là gì và phương pháp điều trị mộng du nhé!
Mộng du là gì?
Mộng du là hiện tượng người đang ngủ bỗng nhiên đứng dậy, đi lại hoặc nói những điều vô nghĩa. Đây là 1 căn bệnh rối loạn giấc ngủ, thường xảy ra vào ban đêm, khoảng giữa giai đoạn ngủ say và giai đoạn chuẩn bị thức giấc, ít xảy ra khi ngủ trưa.
Người bị mộng du không có khả năng phản ứng lại với các sự việc và không thể nhớ được những gì mình đã làm sau khi thức dậy.
Có khoảng 1 – 15% dân số bị mộng du, xảy ra nhiều ở trẻ em có độ tuổi từ 4 đến 8. Ngoài ra, một số người trưởng thành cũng có thể mắc bệnh này, tuy nhiên sẽ không bị ảnh hưởng đến bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về tâm lý hay thần kinh.
Nguyên nhân gây mộng du
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mộng du, cụ thể:
- Stress, mệt mỏi.
- Trầm cảm.
- Mất ngủ, đột ngột phá vỡ thói quen ngủ hằng ngày.
- Lo âu.
- Sốt.
- Sử dụng một số loại thuốc có tác dụng ngắn như thuốc ngủ, thuốc an thần, hay kết hợp các loại thuốc dành cho bệnh tâm thần và người uống rượu.
- Gene (di truyền): Nếu có bố hoặc mẹ từng bị mộng du thì khả năng con cái bị chứng bệnh này có thể tăng cao hơn.
- Tuổi tác: Mộng du xảy ra nhiều hơn ở trẻ em, giảm dần khi đến tuổi vị thành niên.
Bên cạnh đó, một số tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng có thể gây mộng du, bao gồm:
- Rối loạn hơi thở khi ngủ.
- Đau nửa đầu.
- Chứng ngủ gà.
- Hội chứng chân không yên.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Triệu chứng thường gặp của mộng du
Người bị mộng du thường gặp một số triệu chứng sau đây:
- Ngồi dậy và mở mắt.
- Đứng dậy và đi lại xung quanh.
- Mở mắt nhưng mắt đờ đẫn.
- Thực hiện các hành động theo thói quen hằng ngày như nói chuyện, thay đồ, ăn nhẹ,…
- Không giao tiếp hay phản ứng lại với người khác.
- Khó bị đánh thức.
- Nhanh chóng ngủ lại sau khi bị đánh thức.
- Sau khi bị đánh thức thì bị mất phương hướng hoặc bối rối trong một khoảng thời gian ngắn.
- Không nhớ được những việc mình đã làm trong lúc bị mộng du sau khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Ngoài ra, có một số trường hợp có thể xảy ra nhưng hiếm gặp hơn, như:
- Đi ra khỏi nhà.
- Lái xe.
- Làm những hành vi bất thường như đi vệ sinh trong tủ quần áo.
- Quan hệ tình dục mà không có nhận thức.
- Bị thương (té xuống cầu thang hoặc nhảy ra ngoài cửa sổ).
- Trở nên bạo lực trong lúc mộng du, thậm chí là sau khi thức dậy.
Mộng du hầu như không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu những giai đoạn mộng du của bạn có các dấu hiệu dưới đây thì hãy đi gặp bác sĩ để tham khảo ý kiến ngay nhé!
- Thường xuyên xảy ra (nhiều hơn 1 – 2 lần/tuần).
- Gây nguy hiểm và thương tích cho mình hoặc những người xung quanh.
- Ảnh hưởng tới giấc ngủ của người khác trong gia đình hoặc người bị mộng du cảm thấy xấu hổ vì những hành vi của mình.
- Bắt đầu xuất hiện mộng du khi đến tuổi trưởng thành.
- Kéo dài từ lúc nhỏ tới tuổi vị thành niên.
Cách điều trị khi bị mộng du
Để chẩn đoán bệnh mộng du, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ (xét nghiệm thực hiện chuyên sâu về giấc ngủ) để ghi lại đồ thị các xung não, nhịp thở và nhịp tim trong lúc bạn đang ngủ.
Bên cạnh đó, quan sát những chuyển động của tay, chân và những hành động bạn làm khi ngủ cũng sẽ cho bác sĩ thấy được bạn bị mộng du.
Trẻ em mắc bệnh mộng du sẽ tự hết lúc đến tuổi vị thành niên mà không cần phải điều trị. Nếu bạn thấy trẻ bị mộng du ngồi dậy và đi lại, bạn chỉ cần nhẹ nhàng bế bé về giường.
Tuy nhiên, nếu người mộng du có những ảnh hưởng tiêu cực thì việc điều trị sẽ rất cần thiết. Một số cách chữa bệnh mộng du thường gặp là:
- Nếu nguyên nhân gây mộng du là do thuốc thì nên thay đổi toa thuốc.
- Dùng một số loại thuốc như benzodiazepin hoặc thuốc chống trầm cảm, nếu tình trạng mộng du gây thương tích hay gây rối cho các thành viên trong gia đình.
- Học cách tự thôi miên.
Không có phương pháp nào có thể hoàn toàn ngăn chặn bệnh mộng du. Tuy nhiên, bạn có thể xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp để hạn chế đến mức tối thiểu khả năng mắc tình trạng này, cụ thể:
- Ngủ đủ giấc.
- Giảm stress bằng cách ngồi thiền hay tập các bài tập thể dục phù hợp một cách thường xuyên.
- Tránh các kích thích về thính giác hoặc thị giác trước khi ngủ.
Ngoài ra, một số mẹo có thể hạn chế khả năng tránh bị thương khi mộng du bạn có thể tham khảo như:
- Ngủ trong môi trường không có những vật có thể gây nguy hiểm.
- Khóa kín cửa chính và cửa sổ lúc ngủ.
- Dùng rèm che cửa kính.
- Đặt đồng hồ báo thức ở phòng ngủ.
Trên đây là những chia sẻ của Organix.vn về các vấn đề liên quan đến mộng du khi ngủ và cách điều bị mộng du. Hy vọng với bài viết này, bạn có thể bỏ túi được những kiến thức hữu ích. Cảm ơn vì đã theo dõi!
Nguồn: Vinmec.com, bệnh viện đa khoa MEDLATEC
Chọn mua các loại trà giúp ngủ ngon tại Organix.vn:
Organix.vn